1. Hướng dẫn nội dung học thiết kế đồ họa tại nhà
Nếu bạn chọn con đường tự học tại nhà, trước hết hãy bắt đầu với 7 nội dung cơ bản sau đây để làm quen với Thiết kế đồ họa:
1.1. Kỹ năng vẽ thủ công
Bạn không cần phải luyện tập để vẽ tay đỉnh cao như các nghệ sĩ chuyên nghiệp, mà chỉ cần luyện tập các kiến thức cơ bản như vẽ phác thảo ý tưởng bằng bút chì trên giấy để dễ dàng ghi chép ý tưởng, nâng cao khả năng tư duy, chỉnh sửa trước khi mô hình hóa thiết kế trên phần mềm chuyên nghiệp.
Xem thêm: Thiết kế đồ họa có cần vẽ đẹp? Tips cho người không biết vẽ
1.2. 7 yếu tố cơ bản tạo nên Thiết kế đồ họa
7 yếu tố cơ bản dưới đây sở hữu những đặc tính riêng mà nếu bạn thấu hiểu được chúng, bạn có thể dễ dàng thực hiện những sản phẩm Thiết kế đồ họa đơn giản đầu tiên ngay tại nhà.
Đường (Line): Tùy thuộc vào hình thức, trọng lượng, độ dài và ngữ cảnh của các đường, chúng có thể hỗ trợ tổ chức thông tin, xác định hình dạng, ngụ ý chuyển động và truyền tải cảm xúc. Các đường vô hình trong thiết kế in ấn hoạt động như tấm lưới (grid) điều hướng và xây dựng cấu trúc. Trong khi đó, các đường hữu hình có thể được sử dụng để truyền đạt nhiều thông điệp và tâm trạng tùy thuộc vào các hình thức như:
- Nằm ngang, nằm dọc hay nằm chéo;
- Dạng thẳng, dạng cong hoặc dạng tự do;
- Uốn lượn, ngoằn ngoèo hay gấp khúc;
- Liên tiếp hay đứt đoạn;…
Hình dạng (Shape): Đối với mục đích thiết kế đồ họa, hình dạng được hiểu là một khu vực, hình thức hoặc hình thể nằm bên trong đường viền khép kín. Có hai loại hình dạng mà mọi nhà thiết kế đồ họa nên nắm rõ, đó là:
- Hình khối hình học (dạng 2 chiều hoặc 3 chiều) được tạo ra bởi một tập hợp các điểm nối với nhau bằng đường thẳng hoặc đường cong, có thể kể đến như hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình đa giác, hình tròn, hình cầu,…
- Hình khối tự nhiên có thể bao gồm các hình dạng tự nhiên như lá, tinh thể, dây leo,… hoặc các hình dạng trừu tượng như đốm màu hoặc ngoằn ngoèo,…
Màu sắc (Color): Đây là công cụ hữu ích để truyền đạt tâm trạng hoặc kích thích phản ứng cảm xúc từ người xem. Designer có thể lựa chọn một màu duy nhất hoặc kết hợp nhiều màu theo cách hài hòa hoặc bất hòa có chủ ý. Một số màu được nhóm thành các danh mục cụ thể:
- Các màu cơ bản (đỏ, vàng và xanh lam) được định nghĩa là các màu thuần sắc tố và khi trộn chúng với nhau, bạn tạo ra tất cả các màu sắc khác;
- Màu thứ cấp (tím, xanh lá cây và da cam) là kết quả của việc trộn hai màu cơ bản – đỏ + vàng = da cam, xanh lam + đỏ = tím, vàng + xanh lam = xanh lá cây;
- Màu bậc ba (đỏ-cam, vàng-cam, vàng-lục, lam-lục, lam-tím và đỏ-tím) là sáu màu là kết quả của việc trộn một màu cơ bản và một màu thứ cấp ở trên.
Xem thêm: 5 lưu ý về sử dụng màu sắc trong thiết kế đồ họa
Kết cấu (Texture): Kết cấu diễn tả cảm giác của bề mặt như cứng, mịn, thô, mềm, nhão, bóng,… Các designer phải học truyền tải kết cấu một cách trực quan bằng việc sử dụng ảo ảnh để gợi ý đối tượng có thể cảm thấy thế nào nếu người xem có thể chạm vào nó;
Kiểu chữ (Type): Cho dù bạn sử dụng phông chữ mặc định hay tạo kiểu chữ riêng cho, bạn cần đảm bảo lựa chọn kiểu chữ dễ đọc và phù hợp với chủ đề. Kiểu chữ ảnh hưởng đến tâm trạng tổng thể của một thiết kế, vì vậy hãy cân nhắc xem các chữ cái của bạn nên là chữ in hay chữ viết và liệu chúng nên có các góc sắc nét hay bo tròn;
Khoảng cách (Spacing): Khoảng cách là yếu tố tạo nên một không gian cho bản thiết kế, tăng tác động trực quan, cân bằng các yếu tố hình ảnh nặng hơn và nhấn mạnh vào hình ảnh hoặc thông điệp mà người xem nên nhớ. Nếu không có đủ không gian, một thiết kế có thể trở nên quá lộn xộn và khó hiểu;
Hình ảnh (Image). Hình ảnh được sử dụng diễn tả ngữ cảnh giao tiếp một cách sinh động, thêm kịch tính hoặc hành động cần thiết và tạo ra một tâm trạng tổng thể cho tác phẩm. Các bạn có thể sử dụng ảnh chụp hoặc hình ảnh minh họa.